Bạn đang ở đây

'THẤT NIÊN BÁT KHỞI': BÍ MẬT LÀM NÊN THÀNH CÔNG CỦA PARK HANG- SEO VÀ SỰ TRỔI DẬY CỦA NGƯỜI HÀN QUỐC

Văn hóa quân đội đóng vai trò cực lớn trong thành công của người Hàn. Chủ trương "làm là được, có thể làm được, bảo làm thì phải làm" đã ăn sâu vào máu của nhiều công dân Hàn.

 

Người Hàn rất thích câu nói "thất điên bát khởi", nghĩa là 7 lần ngã thì 8 lần đứng dậy, cho thấy tinh thần không chịu khuất phục, dám khiêu chiến chinh phục nghịch cảnh.

Điển hình cho tinh thần này là kỳ tích sông Hàn khi nền kinh tế xứ sở kim chi tăng trưởng thần tốc trong chứ đầy 50 năm. Từ một nước nghèo với thu nhập bình quân đầu người chưa đến 100 USD/năm và số hộ nghèo chiếm đến 70% dân số, Hàn Quốc đã vươn mình trở thành thành viên của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), bao gồm những nước phát triển trên thế giới.

Trong khi đó, tập đoàn Samsung, một trong những biểu tượng của sự chuyển mình tại Hàn Quốc đã giành vị trí số 1 trên thị trường bán dẫn, rồi tiếp đó trở thành ông lớn tại mảng smartphone. Ngoài ra, Huyndai trở thành một trong những hãng sản xuất xe hàng đầu thế giới, LG nổi tiếng với những sản phẩm tivi phẳng…

Không riêng gì kinh tế, Hàn Quốc cũng đạt được hàng loạt tiến bộ trong giáo dục, văn hóa, thể thao khi vượt rất nhiều quốc gia đứng cùng cấp thập niên 1950-1960. Đã có thời điểm chỉ cần đạt 1 chiếc huy chương vàng tại Olympic đã là niềm hân hoan của cả Hàn Quốc thì nay câu chuyện đã trở nên quá bình thường. Thế rồi việc đăng cai thành công World Cup 2002 cũng như lọt vào vòng bán kết khiến cả thế giới có một cái nhìn khác hoàn toàn về Hàn Quốc.

Điều đáng quý là tinh thần khiêu chiến của người Hàn không giới hạn ở một số cá nhân hay doanh nghiệp nổi bật mà vẫn tồn tại trong cuộc sống thường ngày. Ví dụ tiêu biểu nhất là những chương trình thực tế cạnh tranh tìm tài năng của các đài truyền hình Hàn Quốc, hay những câu chuyện vượt khó được đăng tải hàng ngày trên các trang báo.

Người Hàn cổ vũ tinh thần vượt khó là vậy, nhưng trên thực tế họ từng cực kỳ ngại thử thách.

Người Hàn của quá khứ và hiện tại

Phải chăng tinh thần khiêu chiến của người Hàn tự nhiên mà có? Câu trả lời là không. Trước thời điểm công nghiệp hóa 1960, ý thức thay đổi hiện thực, sáng tạo tương lai tại Hàn vãn còn rất mờ nhạt.

Khi người Phương Tây đến bán đảo Hàn vào cuối thời Chosun (1392-1897), người Triều Tiên trong mắt họ là một dân tộc an phận thủ thường khi tư tưởng Nho giáo vẫn còn thống trị, tôn trọng việc kế thừa cái cũ hơn là khám phá cái mới. Mọi người dân Triều Tiên lúc này được giáo dục phải sống đúng với tầng lớp của mình.

Trước thời kỳ Chosun, dân tộc Triều Tiên chưa bao giờ vươn ra biển lớn tìm mảnh đất mới hay trở thành một đế quốc xâm chiếm nước khác.

GDP của Hàn Quốc (tỷ USD)

Thậm chí khi văn minh Phương Tây ùa vào, người dân nơi đây cũng rất thận trọng khi đưa ra các quyết định. Vậy đâu là nguyên nhân khiến người Hàn thay đổi?

Nguyên nhân chính là mô hình phát triển kinh tế nén ép cũng như khát vọng đổi đời của xã hội Hàn. Các học giả đã vận dụng nhiều lý thuyết phân tích khác nhau để giải mã sự thần kỳ sông Hàn.

Theo đó, thập niên 1960-1970, Hàn Quốc phát triển kinh tế theo chế độ độc tài. Chính phủ lập ra chiến lược công nghiệp hóa, bồi dưỡng và kiểm soát các doanh nghiệp, can thiệp thị trường gián tiếp hoặc trực tiếp để thúc đẩy kinh tế.

Hơn nữa, tư tưởng Nho giáo còn sót lại từ thời kỳ phong kiến khiến người lao động Hàn sẵn sàng cống hiến cho tập thể, giúp tăng năng suất cũng như nâng cao ý thức cộng đồng hơn.

Đây là thời kỳ đại cách mạng về kinh tế của Hàn Quốc khi chính phủ khuyến khích xuất khẩu nhờ nhân công giá rẻ, vay ngoại tệ của nước ngoài để hối thúc các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ. Chính phủ sử dụng chính sách "cây gậy và củ cà rốt" để vừa ép vừa vỗ béo các tập đoàn mũi nhọn.

Hàng loạt những công trình lớn của thời kỳ này được khởi công bất chấp những tranh cãi về ngân sách hay độ khả thi cho 1 nền kinh tế mới trải qua chiến tranh, ví dụ như dự án nhà máy cán thép Pohang, dự án sản xuất ô tô, 6 khu công nghiệp nặng và hóa chất…

Cuối cùng, người Hàn đã đặt cược thắng, vượt qua được thách thức để thành công. Hàn Quốc đã tạo nên những công trình khổng lồ mà các học giả Phương Tây chưa thể giải thích lý do thành công. Đặc biệt việc xây dựng nhà máy cán thép Pohang đã khiến cả thế giới phải ngỡ ngàng bởi đây là công trình mà chưa một quốc gia nghèo nào thời đó làm được.

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc

Tinh thần dám nghĩ dám làm và khát vọng đổi đời

Văn hóa quân đội đóng vai trò cực lớn trong thành công của người Hàn. Chủ trương "làm là được, có thể làm được, bảo làm thì phải làm" đã ăn sâu vào máu của nhiều công dân Hàn. Việc dám xây dựng một chiếc ô tô hoàn chỉnh với công nghệ lạc hậu thời bấy giờ hay bất ngờ nhảy vào thị trường bán dẫn thập niên 1980 đều cho thấy tinh thần khiêu chiến, quả cảm của quân đội trong văn hóa kinh doanh Hàn.

Có thể nói sự chuyển mình của thập niên 1960-1970 là dấu mốc làm nên sự biến đổi của Hàn Quốc. Tinh thần khiêu chiến của chính phủ, quân đội, các doanh nghiệp đã thổi một làn sóng mới vào xã hội. Nếu thất bại, phong trào này sẽ biến thành bạo lực, đầu cơ, tệ nạn xã hội… như chúng ta đã thấy ở nhiều nước khi cố gắng mở cửa thị trường.

May mắn thay, phong trào khiêu chiến của chính phủ Hàn đã thành công với nền kinh tế phát triển mạnh. Thấy được cơ hội đó, ngày càng nhiều người Hàn cố gắng khiêu chiến, phấn đấu để đổi đời, noi gương những nhà lãnh đạo và văn hóa doanh nghiệp. Cứ như một quả cầu tuyết, tinh thần khiêu chiến, phấn đấu đổi đời trong xã hội Hàn càng ngày càng lan rộng, tạo nên một nền kinh tế thịnh vượng của Hàn Quốc ngày nay.

Trong thời kỳ đổi mới, phương châm "làm giàu không khó" rất phổ biến tại Hàn bởi trước thời kỳ công nghiệp hóa, hầu như ai cũng nghèo như nhau do chiến tranh tàn phá. Bởi vậy khi nguồn của cải được phân phối công bằng và dễ dàng cho những ai chịu khó phấn đấu, hầu như tất cả người Hàn đều hòa mình vào công cuộc làm giàu cho bản thân cũng như đất nước.

Một yếu tố nữa khiến Hàn Quốc giữ được vị thế kinh tế của mình là công nghệ và giáo dục. Các nhà lãnh đạo Hàn có tầm nhìn chiến lược rất tốt khi đầu tư không chỉ cho công nghiệp mà còn cho công nghệ, nhảy vào những mảng công nghệ mới để dẫn đầu thị trường. Thêm vào đó, tư tưởng Nho giáo khiến người Hàn rất chú trọng giáo dục, học tập. Kết quả là học sinh Hàn gần như đứng đầu thế giới trong chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA), qua đó tạo nên một nguồn lao động chất lượng dồi dào cho nền kinh tế.

Có thể nói, thành công của kinh tế Hàn là minh chứng rõ ràng cho khát vọng đổi đời cũng như tinh thần khiêu chiến, vượt chướng ngại mà không phải quốc gia nào cũng có thể lặp lại.

Theo cafebiz.vn

people like INLOOK.VN fanpage