Bạn đang ở đây

Trai nhảy và những cạm bẫy nơi vũ trường

Bước ra khỏi ánh sáng lấp lánh và tiếng nhạc xập xình nơi vũ trường, trút bỏ các bộ đồ hàng hiệu, những đôi giày bóng nhoáng của thân phận 'trai nhảy', những chàng sinh viên thanh lịch, hiền lành, chăm chỉ, xuất thân từ các vùng quê nghèo lam lũ lại bước lên giảng đường.

Giảng đường đại học cùng bao ước mơ về một tương lai tươi sáng vẫn ở phía trước và sẽ còn xa vời nếu như họ không đủ bản lĩnh để vượt qua cạm bẫy rình rập và sự cám dỗ ma lực của đồng tiền

Đời trai nhảy và những tâm sự đắng nơi vũ trường
 
Là một chàng trai cao ráo, mạnh mẽ, bảnh bao, thông minh xuất thân từ miền quê xứ Thanh lam lũ, Tùng lên Thủ đô học đại học mang theo niềm tin và hy vọng của cả gia đình. Nhưng vì nghĩ hoàn cảnh gia đình nghèo khó, bố mẹ một nắng hai sương vất vả cả đời vì các con nên Tùng muốn đi làm thêm để kiếm thu nhập trang trải cho cuộc sống sinh viên nghèo khó và giúp đỡ bố mẹ ở nhà. 

Tùng từng thử rất nhiều công việc: chạy bàn, phát tờ rơi, nhân viên tiếp thị... nhưng những công việc đó đều chiếm toàn bộ thời gian học của cậu. Rồi tình cờ, Tùng dấn thân vào nghề “trai nhảy” qua sự giới thiệu của người bạn.
 
 
Tùng cho biết: “Mình có ngoại hình khá ổn, lại có kỹ năng nhảy cơ bản từ hồi còn học phổ thông nên người bạn cùng xóm trọ đã rủ và lôi kéo mình tới một vũ trường làm cùng. Với khoản lương hấp dẫn mà mình được biết, mình đã chấp nhận làm thử để có thêm thu nhập lo học hành và sinh hoạt. Hơn nữa, thời gian làm việc chỉ vào buổi tối nên nó không ảnh hưởng lắm tới việc học hành của mình”.
 
Sau khi được tập huấn nghề khoảng 2 tuần, Tùng chính thức trở thành một “trai nhảy” chính hiệu. Cứ mỗi ngày, sau khi kết thúc những giờ học trên giảng đường, cậu sinh viên lại trút bỏ bộ đồ thư sinh để vận những bộ quần áo bóng bẩy mà cậu cố chắt bóp tiền để đầu tư cho nghề nghiệp của mình. Và thế giới buổi đêm bắt đầu, những tiếng nhạc xập xình, những ánh đèn xanh đỏ lập lòe cùng những cạm bẫy đang chờ đón chàng trai thật thà, chất phác, một thế giới mới nhiều đắng cay và nước mắt đang chờ cậu khám phá.
 
Dù chưa bước vào nghề nhưng Tùng được các đàn anh, đàn chị chỉ giáo rất nhiều kinh nghiệm làm nghề. Phần lớn những quý cô, quý bà tới đây đều là những người có quyền, có tiền, họ tìm đến chỉ với mục đích giải trí, một số thì vì chuyện tình cảm. Phận làm “trai nhảy” thì ngoài việc biết nhảy, dẫn nhảy tốt thì điều quan trọng nhất là phải biết phục vụ cho tốt, biết lắng nghe tâm sự của họ, chiều chuộng họ, nhiệt tình với họ và chia sẻ với họ tất cả mọi thứ trong cuộc sống.
 
Tùng cho biết, với mỗi ca dẫn nhảy khoảng hơn 2 giờ, cậu kiếm được từ 200- 250 nghìn đồng. Ngoài ra, có khách còn “boa” thêm 50-100 nghìn để động viên cho sự nhiệt tình của nhân viên. Một số khách nhảy còn “động viên” trai nhảy bằng những đồ vật như điện thoại hay chiếc đồng hồ. Thế nhưng cũng có không ít trai nhảy nhận lời mời đi chơi với khách. Vì thực tế, nhiều khách nhảy tới vũ trường không chỉ có mục đích nhảy, giải trí, họ còn có nhu cầu về tình cảm, bởi vậy không ít người thường mời trai dẫn nhảy đi cà phê, tâm sự, rồi cho thứ này, tặng thứ khác.
 
Dù mới vào nghề nhưng Tùng cũng được rất nhiều quý bà, quý cô lựa chọn bởi ngoại hình Tùng khá chuẩn, cơ thể rắn rỏi, khuôn mặt lại điển trai, cộng với tài dẫn nhảy và sự nhiệt tình mà không phải trai dẫn nhảy nào cũng có. Những ngày dẫn nhảy đầu tiên cũng qua đi, khoản tiền mà Tùng kiếm được cũng kha khá, cậu trở nên ham mê công việc này hơn và xao nhãng việc học hành. Ngoài việc dẫn nhảy ở vũ trường, mỗi khi về phòng trọ, Tùng lại mua băng đĩa, xem và học những điệu nhảy mới, luyện cho thành thục để có thể phục vụ nhiều người hơn. Thế nhưng Tùng đâu biết rằng, phần lớn những quý cô, quý bà tới đây chỉ mong muốn tìm “của lạ”, khám phá những cậu bé ngây thơ, vô tư như Tùng.
 
Tùng tâm sự: “Sau 1 tuần vào nghề, mình mới hiểu giá trị của đồng tiền kiếm được. Nó là mồ hôi, nước mắt và cả sự chịu đựng nhục nhã của thằng đàn ông. Mình đã dẫn nhảy cho không ít quý bà, quý cô, người tử tế cũng có, mà người trăng hoa cũng có. Người thích sôi động, bốc lửa trong vũ điệu dance, cha cha cha, còn người thì lại thích tango, slow nhẹ nhàng, vì như thế họ mới có cơ hội để đụng chạm, vuốt ve những phần nhạy cảm trên cơ thể trai nhảy. Nếu không đồng ý hay tỏ thái độ không hợp tác, họ sẽ không trả tiền, gọi quản lý và bảo thái độ phục vụ khách không tốt. Nguy cơ sẽ bị trừ lương và mất việc. Mà phục vụ thì thấy thật trái với lương tâm, cảm thấy ghê sợ”.
 
Vậy là chỉ không bao lâu sau khi bước vào nghề, những chàng trai trong trắng sẽ nếm đủ mùi vị đắng cay của nghề bạc bẽo, mang nhiều tai tiếng này. Nhưng mỗi người vì hoàn cảnh khác nhau, và nhất là sức hút mạnh mẽ của đồng tiền, họ khó có thể dứt ra được mà ngày càng dấn thân vào con đường tội lỗi.
 
Rơi vào bẫy của các quý cô thừa tiền, thiếu tình
 
Cầm được đồng tiền trong tay mới thấy sự vất vả, nhục nhã, đắng cay của cái nghề phũ phàng này. Phận trai tơ, trẻ khỏe nhưng lại phải chịu luồn cúi và phục vụ các quý cô, quý bà, không ít người trong số họ đã trở thành “trai bao” bởi ranh giới giữa làm nghề chân chính và trai bao thực sự quá mong manh, cũng chỉ vì “ngựa quen đường cũ” và không tránh khỏi những cái bẫy đã giăng sẵn của quý bà, quý cô lắm tiền.
 
 
Tùng cho biết: “Trong số những quý bà, quý cô tới vũ trường, ngoài những người đến với mục đích trong sáng, cũng có không ít những người chỉ vì chuyện gia đình đổ vỡ, hay trốn chồng con để tìm nơi giải khuây, nhất là tìm 'của lạ' và thỏa mãn nhu cầu tình dục khi tuổi xuân đã qua mà cơ thể vẫn còn sung sức. Trong khoảng tối, sáng của ánh đèn màu lấp lánh nơi vũ trường, giữa ranh giới của cái cho và nhận, họ dễ dàng tìm đến nhau, ngã vào nhau thông qua cầu nối tiền - tình”. 
 
Tùng nhớ lại cái ngày mà cậu dẫn nhảy cho một phụ nữ trạc tuổi mẹ mình. Đó là người phụ nữ chừng 40 tuổi, tên Dung. Theo lời bà Dung kể thì bà ta là một doanh nhân giàu có, con cái đều đã trưởng thành nên khi ăn mặc và make-up, bà trông vẫn còn trẻ trung lắm. Ông chồng làm giám đốc một công ty nhưng thường xuyên đi công tác, nhậu nhẹt, chơi bời khiến tình cảm vợ chồng rạn nứt. Dù chưa ly hôn nhưng cả hai người đã chính thức tuyên bố “đường ai nấy đi”. Tới vũ trường nhảy là thói quen từ lâu của bà Dung. Hầu hết trai nhảy ở đây ai cũng từng một lần dẫn nhảy cho người phụ nữ này. Tùng không phải là một trường hợp ngoại lệ.
 
Biết Tùng điển trai, lại là “lính mới”, trông ngây thơ, chân chất nên lần đầu tiên mới gặp cậu, bà Dung đã “bồ kết” cậu. Tùng nhớ lại: “Lần đầu dẫn nhảy cho bà Dung, mình thấy rất bình thường. Không như những người phụ nữ không đứng đắn khác, bà ta không trêu ghẹo, cũng không lợi dụng để đụng chạm cơ thể mình. Trái lại, bà tâm sự với mình và tỏ ra rất buồn bã, đau khổ vì chuyện gia đình. Lúc ra về, bà còn dúi vào tay mình 100 nghìn đồng và nói: 'Con trai tôi cũng bằng tuổi cậu, nhưng nó không hiền lành và chăm chỉ như cậu. Cậu cầm lấy, đừng từ chối vì tôi biết làm nghề này các cậu cũng chẳng kiếm được bao nhiêu'. Thế nên mình cũng không từ chối”.
 
Đúng là “gừng càng già càng cay”, sự tử tế giả tạo ấy lại chính là sự khởi đầu cho một âm mưu đen tối. Sự chân thành của một người phụ nữ bao giờ cũng khiến những người đàn ông cảm động. Sự thiếu thốn tình cảm của một người phụ nữ và khao khát được chia sẻ đã khiến chàng trai trong sáng vừa mới bước chân vào đời đổ gục hoàn toàn.
 
Tùng hãi hùng nhớ lại: “Thật không ngờ, người phụ nữ đó lại bày ra kế giả vờ tốt bụng để lừa mình, đưa mình vào một cái bẫy khó thoát. Đúng là gừng càng già càng cay, nó là một bài học đáng nhớ cho mình cả trong cuộc sống và nghề nghiệp”. 
 
Sau vài lần tới vũ trường và được Tùng dẫn nhảy, bà Dung trở thành khách quen của Tùng. Và cứ mỗi tuần, bà tới đây 2-3 lần. Nhưng bỗng một tuần liền không thấy bà tới, Tùng liều gọi điện hỏi thăm thì được biết bà bị ốm, đang ở nhà nghỉ ngơi. Trong điện thoại bà còn kêu buồn chán và ngỏ ý bảo Tùng rảnh thì tới thăm.
 
Vốn thân thiết, lại có thiện cảm nên chọn ngày chủ nhật, Tùng tới nhà bà Dung. Căn nhà rộng rãi chỉ có mình bà ở nhà. Khi vừa mới vào nhà, Tùng thực sự hoảng hốt khi thấy bà ăn mặc rất hớ hênh với bộ đồ ngủ mỏng tang. Nhưng sau đó, cậu còn ngạc nhiên hơn khi bà ta đổi cách xưng hô một cách đột ngột, từ tôi - cậu sang em – anh. Sợ quá, Tùng định chuồn về luôn nhưng rồi cố giữ bình tĩnh ngồi uống hết chén nước.
 
Ngồi được 10 phút Tùng xin phép về, nhưng bị bà ta kéo lại. Tùng hãi hùng nhớ lại: “Lúc ấy mình đứng lên thì bà ta chạy qua chỗ mình, ôm tay mình rồi bảo 'Anh có thể ở lại dẫn nhảy cho em được không? Vì lâu quá rồi em không tới vũ trường nên nhớ anh quá. Em sẽ trả thêm tiền công cho anh. Để em mở nhạc lên nhé'. Mình hãi quá liền đẩy bà ta ra rồi chạy ra tự mở cổng đi về. Cũng may không có chuyện gì xảy ra”.
 
Từ hôm đó, Tùng cắt đứt liên lạc với bà Dung. Mỗi lần bà ta tới vũ trường, cậu lánh mặt và từ chối dẫn nhảy. Sau này Tùng cũng cảnh giác hơn với chiêu như vậy của những phụ nữ “cáo già”, và tránh những đụng chạm không cần thiết khi dẫn nhảy cho khách.

Theo HN&PL

 

people like INLOOK.VN fanpage